25/09/2018 NƯỚC NGOÀI
Xu Hướng Chăn Nuôi Thế Giới

(Người Chăn Nuôi) – Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ đề cao hai yếu tố xanh và sạch trong chăn nuôi, mà còn quan tâm đến phúc lợi động vật. Đây là xu hướng chính của ngành chăn nuôi, và là tiền đề cơ bản để đưa ngành này phát triển bền vững.

Thực phẩm hữu cơ

Nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm hữu cơ tiếp tục tăng cao nên doanh số bán các loại mặt hàng này trên thị trường toàn cầu đã tăng 11% trong năm 2015, tương đương trị giá 39,7 tỷ USD và xu hướng tiêu dùng này sẽ tiếp diễn trong tương lai. Melissa Abbott, Phó Giám đốc tại The Hartman Group, Bellevue, Washington cho biết: quan điểm về thực phẩm hữu cơ của hai thế hệ, gồm những người trẻ sinh sau năm 1995 (thế hệ Z – những cư dân trẻ tuổi sinh ra trong thời đại mạng internet và smartphone bùng nổ) và thế hệ lớn tuổi hơn có sự khác nhau tương đối lớn. Hơn một nửa những người thuộc thế hệ Z đều nhận thức được thực phẩm hữu cơ tốt hơn cho sức khỏe, trong khi đó, tỷ lệ này ở người có độ tuổi lớn hơn là 39%. Tuy vậy, trong mấy năm trở lại đây, thị trường thực phẩm hữu cơ luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Theo Tổ chức Liên đoàn Những nhà sản xuất hữu cơ quốc tế (Ifoam), thế giới có khoảng 37,5 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ, chiếm khoảng 0,87% tổng số đất nông nghiệp. Các nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất là Australia (12 triệu ha), Argentina (3,6 triệu ha) và Mỹ (2,2 triệu ha). Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ với 24,4 tỷ USD, trong khi nước tiêu thụ loại thực phẩm này theo đầu người lớn nhất là Thụy Sĩ (204 USD).

xu hướng tiêu thụ thực phẩm thế giới - chăn nuôi

Một trong những khía cạnh tốn kém nhất của quá trình sản xuất thực phẩm hữu cơ chính là sự chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ mất thời gian ít nhất 3 năm. Để xóa bỏ các gánh nặng chi phí, các tổ chức như Hiệp hội Kinh doanh sản phẩm hữu cơ (OTA) đã nỗ lực hoạt động để phát triển ra một chứng nhận quy trình chuyển đổi. Đây cũng là dự án mà OAT đã tiến hành suốt 1 năm qua và được đánh giá là tiềm năng cho quá trình chuyển đổi thị trường từ những thực phẩm được sản xuất theo cách thức truyền thống sang hữu cơ.

Hiện, đã có một số công ty lớn trên thế giới liên kết với người chăn nuôi để dần tạo dựng thị trường thực phẩm hữu cơ ổn định. Điển hình nhất đó liên kết với Hợp tác xã ngũ cốc hữu cơ của Mỹ, với thành viên là Annie’s, Stonyfield, Organic Valley, Clif Bar, Nature’s Path và Grain Millers.

Phúc lợi động vật

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, áp lực từ các tổ chức xã hội, nhiều tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia, công ty phân phối và chế biến thực phẩm, siêu thị, nhà hàng đều đang cải thiện phúc lợi động vật bằng việc xây dựng các chính sách, quy định sản xuất… Điển hình trong chiến dịch này là các doanh nghiệp lớn như McDonald Marks & Spencer, Unilever, Nestle và Woolworths (Nam Phi) đã cam kết một lộ trình cụ thể về việc sản xuất hoặc bán sản phẩm đảm bảo phúc lợi động vật. Ngoài ra, một khảo sát tại châu Âu và Bắc Mỹ đã chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng đều quan tâm đến phúc lợi động vật và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những động vật có xuất xứ từ trang trại nuôi dưỡng đảm bảo tính nhân đạo.

trang trại gia cầm hữu cơ - chăn nuôi

Nuôi gia cầm hữu cơ tại trang trại White – Oak, Mỹ 

Anh là nước đầu tiên đặt ra các tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong chăn nuôi với 6 nguyên tắc theo luật “The Five Freedom”. Đây là nền móng vững chắc cho những cuộc thảo luận quốc tế về phúc lợi động vật sau này và là tiền đề xây dựng phát triển luật phúc lợi động vật ở những quốc gia châu Á, Australia, EU và Bắc Mỹ. Dựa trên các tiêu chuẩn trong “The Five Freedoms”, các quốc gia đã có những hành động cải thiện phúc lợi động vật ở trại nuôi, trên thị trường hay lò giết mổ. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cũng lan tỏa hành động ra phạm vi toàn cầu, tập trung cải thiện ngành thú y, phúc lợi động vật và sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn của OIE được nhiều quốc gia thành viên tham khảo và sử dụng trong quá trình theo đuổi phúc lợi động vật trong chăn nuôi, trong kinh doanh và phát triển thị trường. Tất cả 180 thành viên của OIE từ Anh tới Trung Quốc, Uganda và Ukraine đều áp dụng 14 tiêu chuẩn phúc lợi động vật toàn cầu của OIE.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được đúng quy trình. Những nước phát triển có xu hướng dồi dào nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng thuận tiện hơn những nước đang phát triển sẽ có điều kiện hỗ trợ phúc lợi động vật hiệu quả hơn. Nhận thức về phúc lợi động vật đang ngày càng được nâng cao, ngành chăn nuôi ở những nước phát triển hay đang phát triển đều có thể được hưởng lợi nếu biết đầu tư đúng hướng và nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong chăn nuôi.

 

Thân thiện môi trường

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc gia ở Kenya, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IIASA), mỗi năm, ngành chăn nuôi toàn cầu sản xuất 586 triệu tấn sữa, 124 triệu tấn gia cầm, 91 triệu tấn thịt heo, 59 triệu thịt bê và trâu và 11 triệu tấn thịt dê và cừu. Ngành chăn nuôi tại các nước đang phát triển đóng góp tỷ lệ hiệu ứng nhà kính cao nhất, trong đó 75% từ hoạt động chăn nuôi động vật nhai lại và 56% từ chăn nuôi gia cầm và heo. Do đó, thịt heo và gà luôn được đánh giá là “thân thiện môi trường” nhất khi tỷ lệ hiệu ứng nhà kính là 10%.

Thời gian qua, EU cũng đã xây dựng thành công mô hình ban hành thuế suất tiêu thụ theo tỷ lệ với mức phát thải khí nhà kính trung bình của mỗi đơn vị thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều công ty chăn nuôi đã có bước đi đột phá với các sản phẩm sáng tạo. Như trang trại gia cầm Uphouse ở phía Bắc Norfolk, Anh đã sáng tạo hệ thống đốt cháy rác thải gia cầm theo công nghệ phát thải thấp để sản xuất nhiệt năng. Trang trại này có thể tự sản xuất được nguồn nhiệt khô, sạch không giới hạn, cải thiện môi trường sống cho gia cầm, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí. Hay trang trại nuôi heo Butler ở North Carolina, Mỹ đã sử dụng đệm lót sinh học để chặn chất thải và xối thẳng tới khoang xử lý có sức chứa gần 4 triệu lít, nơi vi khuẩn phân hủy chúng trong vòng 21 ngày, sinh ra khí methane. Khí ga đi vào các ống nhỏ tới một tòa nhà đặt máy phát, khí được đốt để tạo ra điện và được bán cho các hợp tác xã trong vùng. Phần chất thải còn lại được dẫn bằng đường ống tới hai hồ chứa lớn được che phủ bằng nylon. Nhờ đó, trang trại của Butler giảm đáng kể mùi khó chịu so với trang trại khác. Mưa xuống cũng không gây ô nhiễm vùng lân cận. Còn hệ thống phát điện của trang trại sản sinh lượng điện năng đủ cấp cho 90 cái tủ lạnh. Hệ thống của Butler chi phí hơn 1 triệu USD.

Thế nhưng, ngành sản xuất thịt tác động tiêu cực tới môi trường cao gấp 3 lần các ngành khác – đó là kết quả nghiên cứu của tác giả Bryan Walsh, đăng tải trên tạp chí Time. Nhà sinh thái học Brian Machovina cũng đề cập trên Tạp chí Ensia: “Ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm cho 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính của con người, gần như tương đương với lượng khí thải trực tiếp từ giao thông vận tải”. Theo những nhà khoa học này, hành tinh chúng ta đang sống không khác gì một trang trại khổng lồ vì 40% diện tích bề mặt trái đất được sử dụng để sản xuất thực phẩm cho con người.

 

Kết

Tương lai ngành chăn nuôi toàn cầu sẽ như thế nào? Đã có nhiều đánh giá, nhận định chỉ ra rằng, ngành chăn nuôi sẽ còn phải đối mặt nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, và áp lực mở rộng hơn nữa để đáp ứng cầu khi dân số bùng nổ, thu nhập và tốc độ đô thị hóa tăng kéo dài ít nhất trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ toàn cầu, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi, dinh dưỡng, thú y sẽ góp phần thúc đẩy chăn nuôi đi theo đúng quỹ đạo xanh, sạch và bền vững.