03/08/2018 TIN TỨC
Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam: Nhìn lại một năm phát triển
Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam: Nhìn lại một năm phát triển

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Nhìn bề nổi, chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu năm 2017 không có sức ép, không gặp khó khăn như chăn nuôi lợn hoặc chăn nuôi gia cầm. Nhưng, nhìn vào những con số nhập khẩu thịt trâu bò trong năm 2015, 2016 và 2017 người chăn nuôi mới lo ngại và thấy rõ sự cạnh tranh mạnh mẽ của mặt hàng này.

 

Bảng dưới đây phản ánh lượng nhập khẩu trâu bò và sản phẩm của chúng vào thị trường Việt Nam.

– Lượng trâu bò sống nhập khẩu và nước ta để giết thịt cung cấp cho tiêu thụ là rất lớn, năm 2015 là 419.952 con, năm 2016 con số này giảm xuống còn 316.385 con; 11 tháng năm 2017 là 240.461 con.

 

– Lượng thịt trâu bò có xương năm 2015 nhập khẩu có 4.845 tấn, năm 2016 đã tăng lên 44.714 tấn và năm 2017 là 43.777 tấn. Mấu chốt là ở loại thịt trâu bò có xương này. Thịt trâu, bò có xương gọi là thịt xẻ, tỷ lệ thịt xẻ của trâu bò nước ta thường đạt 40-45% (Tỷ lệ thịt xẻ = Khối lượng thịt có xương/ khối lượng gia súc sống trước khi giết mổ x100). Vậy, ngoài số lượng trâu bò sống nhập khẩu, hàng năm chúng còn nhập khẩu thêm khoảng 350.000 – 400.000 con quy ra từ lượng thịt trâu bò có xương (tính cho tỷ lệ thịt xẻ là 45%, khối lượng trâu bò sống trước khi giết thịt là 300 kg). Theo số liệu thống kê 01/10/2017, khối lượng thịt hơi của trâu bò nước ta xuất chuồng đạt 409.625 tấn (bò 321.666 tấn + trâu 87.959 tấn) quy đổi ra thịt xẻ 45% khoảng 185.000 tấn, gấp hai số lượng trâu bò và thịt trâu bò có xương nhập khẩu. Tất cả những điều trên khẳng định thịt trâu bò từ chăn nuôi trong nước sản xuất và cung cấp chỉ đáp ứng được 50% cho tiêu thụ, 50% còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Xuất phát từ thị trường trong nước như vậy, ngành chăn nuôi các con vật này trong những năm qua đã phát triển nhưng chưa nhiều.

– Số lượng trâu ngày càng giảm. Năm 2016 giảm so với 2015 là 0,17%; năm 2017 so với 2016 giảm 1,90%. Chăn nuôi trâu có nguy cơ giảm mạnh. Thực tế đã được chứng minh, năm 2007 đàn trâu cả nước có 2.996.400 con (TCTK,01/10/2007), đến nay chỉ còn 2.491.662 con, giảm hơn 500.000 con = 16,9%.

– Mặc dù số lượng đàn trâu giảm, nhưng sản lượng thịt trâu cung cấp ra thị trường vẫn tăng, tỷ lệ tăng không nhiều, năm 2016 so với 2015 tăng 1,0%; năm 2017 so với 2016 tăng 1,53%. Sự tăng số lượng thịt của đàn trâu đã đã phản ánh: (+) giống đã được cải tiến (+) khoa học kỹ thuật trong chọn lọc nhân giống, chăm sóc, nuôi dưỡng đã và đang được ứng dụng vào thực tế sản xuất.

– Đàn bò thịt trong cả nước luôn tăng trưởng trong 3 năm qua. Năm 2015 cả nước có 5.367.078 con bò, đến năm 2016 tăng so với năm trước 2,41 %, đạt 5.496.557 con; năm 2017 tăng so với năm 2016 2,88 %, đạt 5.654.901 con.

– Sản lượng thịt bò sản xuất ra cũng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 cao hơn 3,10% so với năm 2015 và đạt 308,608 ngàn tấn. Năm 2017 đạt 321,666 ngàn tấn cao hơn năm 2016 là 4,23%.

– Tỷ lệ bò lai năm 2015 chỉ đạt 56,67% đã tăng lên 57,27% năm 2016 và đạt 63,23% năm 2017. Chính đàn bò lai tăng đã tăng nhanh khả năng cho thịt của đàn bò.

– Số lượng đàn bò thịt của nước ta được phân bổ khắp toàn quốc với tỷ lệ tương đối ổn định, cao nhất trên 40 % đàn bò cả nước tập trung Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung; tiếp theo, trên 17% tại vùng Trung Du và miền Núi phía Bắc; vùng Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long tỷ lệ này đạt 12 -13%; đàn bò vùng đồng Bằng Sông Hồng chỉ chiếm trên dưới 9,0%, ít nhất ở vùng Đông Nam Bộ, đàn bò ở đây chỉ chiếm có 6,8-6,9%.

– Sản lượng thịt hơi do đàn bò sản xuất ra tại các vùng được thể hiện rõ nét: cao nhất vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, chiếm trên 42-43%; tiếp đến Đông Nam Bộ chiếm 15,6 – 16,3%, Vùng Tây Nguyên 12,1 đến 12,6%; Vùng Trung Du và miền Núi 9,8-10,1%, Vùng đồng Bằng Sông Hồng 10,8-11%; thấp nhất là vùng Đông Nam bộ chỉ chiếm có 8,1-8,2%.

– Khả năng sản xuất thịt của đàn bò đồng Bằng Sông Cửu Long là cao nhất. Nếu lấy năm 2017 làm ví dụ: 1% cơ cấu đàn bò tại vùng này sẽ sản xuất ra 1,26% cơ cấu thịt bò (16,3: 12,9 =1,26); tương tự như vậy vùng Đồng Bằng Sông Hồng là 1,24%; vùng Đông Nam Bộ là 1,17%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung là 1,04%. Thấp nhất là khả năng sản xuất thịt của đàn bò vùng Trung Du và miền Núi phía Bắc, 1% cơ cấu đàn bò chỉ cho ra 0,56% cơ cấu lượng thịt (9,8:17,5=0,56); vùng Tây Nguyên là 0,95 (12,6:13,3). Khả năng sản xuất thịt bò phụ thuộc 2 yếu tố: (-) khối lượng của đàn bò xuất chuồng tại vùng đó, (-) Khả năng quay vòng hoặc số lượng bò xuất chuồng của vùng đó.

Chăn nuôi bò sữa của nước ta trong ba năm qua chịu ảnh hưởng lớn của sự sụt giảm giá sữa bột thế giới năm 2014. Ngoài sụt giảm về giá, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người đã đòi hỏi người chăn nuôi bò, chế biến sữa phải thận trong hơn trong chuỗi quy trình, công việc trước khi cung cấp sữa ra thị trường, từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa đến khâu vắt sữa, thu gom, bảo quản, chế biến, vận chuyển, phân phối và lưu thông. Mặc dù vậy, chăn nuôi bò sữa ở nước ta vẫn tăng trưởng liên tục cho dù bước tăng trưởng không cao như những năm trước. Bảng đưới đây thể hiện vấn đề này.

Chăn nuôi dê trong thời gian qua không có sự cạnh tranh, không có sức ép như chăn nuôi lợn, gà hay là trâu bò. Nhu cầu an toàn thực phẩm, thực phẩm hữu cơ đã tạo cho chăn nuôi dê động lực phát triển. Chính vì thế, chăn nuôi dê trong ba năm qua phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng.

– Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng của đàn dê rất cao. Năm 2015, toàn quốc có 1.777.644 con dê, năm 2016 đàn dê đã tăng lên 2.021.003 con, cao hơn năm 2015 là 13,69% (2.021.003 con:1.777.644 con x100); năm 2017 đàn dê đã đạt tới 2.556.268 con, cao hơn năm 2016 là 26,49% (2.556.268 con:2.021.003 con x100);

– Đàn dê tăng trưởng ở tất cả các vùng trong cả nước, tăng trưởng cao nhất, nhanh nhất là vùng Bắc Trung Bộ và duyên Hải Miền Trung, đàn dê đạt 623.501 con năm 2017 cao hơn năm 2015 là 43,38%. Tương tự như vậy, vùng Đông Nam Bộ đàn dê năm 2017 cao hơn năm 2015 là 41,59% (327.715 con : 231.449 con); vùng Đồng Bằng Sông Hồng 32,25%; vùng Trung Du và Miền Núi 28,32%; tăng trưởng thấp nhất năm 2017 so với năm 2015 của đàn dê vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt 24,17%, kế tiếp là vùng Tây Nguyên, đàn dê vùng này năm 2017 so với năm 2015 cao hơn 30,68%.

– Đàn dê nước ta tập trung nhiều, chiếm tới 37-42% tổng đàn dê trong toàn quốc là vùng Trung Du và miền Núi phía Bắc, tiếp tới là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, đàn dê chiếm tới 24%. Vùng có số lượng dê ít nhất là vùng Đồng Bằng Sông Hồng chỉ chiếm 4-5%; vùngTây Nguyên đàn dê chỉ chiếm 6 – 6,6%.

– Lượng thịt do đàn dê sản xuất ra cũng tăng nhanh, năm 2016, lượng thịt dê sản xuất ra cao hơn năm 2015 là 5,97% (21.142 tấn: 19.950 tấn), đặc biệt lượng thịt dê sản xuất, cung cấp năm 2017 cao hơn năm 2016 là 24,20% (26.250 tấn :21.142 tấn). Lượng thịt dê sản xuất và cung cấp cho thị trường phần lớn, trên 30-34% ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung; 22-23% từ vùng miền Núi và Trung Du phía Bắc. tiếp sau là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ 17-18%.

Chăn nuôi cừu trong giai đoạn 2015-2017 cũng giống như chăn nuôi dê, tăng trưởng có nét ngoạn mục, đột phá. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê 01/10/2017, tổng đàn cừu trong toàn quốc có 168.128 con, cao hơn năm 2016 tới 33,29% (168.128 con:126.133 con); năm 2016 so năm 2015, đàn cừu tăng trưởng 17,22% ( 126.133 con: 107.603 con- TCTK, 1/10/2016).

– Sản lượng thịt cừu sản xuất ra chưa nhiều mới chỉ đạt 1.887 tấn năm 2017 và 1.681 tấn năm 2016. Khác với Dê, Cừu chỉ được tập trung nuôi tại một số tỉnh ở vùng Duyên Hải Miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa, còn các tỉnh khác nuôi rất ít hoặc mới bắt đầu nuôi. Chính vì thế lượng thịt do Cừu sản xuất và cung cấp cho thị trường có tới 85-95% do các Ninh Thuận, Khánh Hòa cung cấp.

Năm 2017 là một năm ngành Chăn nuôi gia súc lớn gặt hái những thành quả không nhỏ nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Thịt bò tăng trưởng 4,23%, tỷ lệ bò lai đạt 63,23%, đàn bò sữa tăng trưởng 6,59%, tổng sản lượng sữa tươi sản xuất tăng 10,83%. Đàn dê cừu tăng trưởng nhảy vọt, đàn dê tăng 26,49%, cừu 17,22%. Đàn trâu tuy giảm về số lượng nhưng khối lượng thịt hơi cung cấp cho tiêu dùng trong nước đã tăng so năm 2016 là 1,53%. Để chăn nuôi những con vật này tốt, bền vững và có hiệu quả giữa các vùng, một số biện pháp cơ bản sau cần phải được phổ biến, quán triệt tới người chăn nuôi:

1. Thức ăn thô xanh là yếu tố quyết định đến thành bại khi nuôi loại gia súc này. Năng suất cao thấp, chăn nuôi hiệu quả ở mức độ nào phụ thuộc vào sự phối trộn và chất lượng của thức ăn sử dụng cho vật đó. Vì vậy, đối với con vật trước hết cho vật ăn đủ về lượng sau đó đến chất lượng và nuôi dưỡng đúng quy trình, phù hợp với trạng thái sinh lý của vật nuôi.

2. Luôn luôn nghĩ đến cải tiến chất lượng giống bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Sử dụng riêng biệt hoặc tổ hợp các biện pháp này để cho ra những con giống nhanh hơn, năng suất cao hơn.

3. Vỗ béo cho vật nuôi trước khi giết thịt và giết mổ đúng quy trình là những biện pháp không những tăng năng suất thịt 20-30 % mà còn chất lượng thịt ngon hơn, mền hơn.

4. Nghiêm chỉnh chấp hành luật thú y để môi trường chăn nuôi sạch hơn, ít tổn thất hơn mỗi khi dịch bệnh xảy ra.

5. Đào tạo, tập huấn, hội thảo để phổ biến nhanh kỹ thuật tốt, những mô hình tốt ra thực tế.

PGS.TS HOÀNG KIM GIAO
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam